Wednesday 2 March 2011

Bruton Smith, tỷ phú đi lên từ đường đua



Khởi đầu từ niềm đam mê tốc độ, bằng tài năng kinh doanh thiên bẩm, Bruton Smith từng bước tiến vào thương trường.

Trong lĩnh vực kinh doanh đặc thù là các cuộc đua motor, ôtô thể thao, Bruton Smith luôn biết kết hợp hoàn hảo những kinh nghiệm, sự hiểu biết về các giải đấu với những chiến lược kinh doanh tầm cỡ để thẳng tiến tới đỉnh cao sự nghiệp.

Sau khi tạo dựng thành công các đường đua Charlotte Motor Speedway, Atlanta Motor Speedway, Speedway Motorsports thuộc doanh nghiệp Sonic Automotive, Bruton Smith thu về cho mình khối tài sản cá nhân lên tới 1,6 tỷ USD, điều khiến cho cái tên Bruton Smith được liệt kê trong danh sách những doanh nhân thành đạt và giàu có nhất thế giới của Tạp chí Forbes.

Sự nghiệp của Bruton Smith bắt đầu từ lòng say mê đối với những giải đua xe. Khởi nghiệp với nghề buôn bán xe đua, Bruton Smith chuyển sang kinh doanh các giải đua xe quy mô hàng đầu tại Mỹ.

Tới thời điểm hiện nay, sau hơn 5 thập niên kinh doanh, bằng khả năng tính toán và những quyết định táo bạo của mình, Bruton Smith nắm giữ trong tay Speedway Motorsports (SMI) với 6 giải đua lớn nhất nước Mỹ và Sonic Automotive gồm mạng lưới 187 cửa hàng xe hơi và 47 trung tâm sửa chữa xe hơi trên cả nước.

Niềm đam mê thủa thiếu thời 

Bruton Smith hay còn có tên khác là O. Bruton Smith sinh ngày 3/3/1927 trong một gia đình làm nông nghiệp có tới 9 người con tại Oakboro, North Carolina, Mỹ. Là những người nông dân thuần túy, bố mẹ Bruton Smith hàng ngày đều tất bật với công việc đồng áng và những thửa ruộng trồng bông. Công việc cực nhọc nhưng đổi lại, nguồn thu nhập không được đáng là bao nên cuộc sống của cả gia đình luôn trong hoàn cảnh khó khăn.

Sinh ra trong môi trường như vậy, từ nhỏ, Bruton Smith đã phải vừa học vừa lao động cùng gia đình. Chính điều này đã giúp Bruton Smith sớm hình thành tính tự lập, quyết tâm vượt lên số phận. Nhắc tới tuổi thơ chất chứa những nhọc nhằn của mình, Bruton Smith từng tâm sự: “Bố mẹ tôi thời điểm đó mặc dù đều đã phải làm việc cật lực nhưng vẫn luôn trong tình trạng túng thiếu, vì thế tôi đã quyết tâm sẽ vượt lên số phận”.

Từng trải qua cuộc sống vất vả, bố mẹ Bruton Smith luôn cố gắng hướng cậu con trai vào học tập với hy vọng sau này sẽ có được một cuộc sống thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, trái hẳn với mong muốn của gia đình, ngay từ khi mới 7 tuổi, lần đầu tiên được xem đua môtô, Bruton Smith đã bị cuốn hút và ấp ủ giấc mơ trở thành một vận động viên chuyên nghiệp. Sau khi bị mẹ buộc phải từ bỏ niềm đam mê trở thành vận động viên đua xe chuyên nghiệp, Bruton Smith tìm đủ mọi cách để theo đuổi một công việc liên quan hết mức tới xe đua.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Bruton Smith xin ngay vào làm công nhân trong một xưởng dệt gần nhà để kiếm đủ tiền mua một chiếc xe đua cũ. Cho tới khi tròn 17 tuổi, từ tất cả các khoản tiền tiết kiệm được, Bruton Smith mua được cho mình chiếc xe đua đầu tiên trong đời.

Cũng bắt đầu từ đây, Bruton Smith bắt đầu nảy sinh ý tưởng chuyển sang buôn bán các loại xe thể thao cũ vừa để thỏa mãn đam mê vừa kiếm tiền. Thời gian đầu, do chưa có nhiều vốn cũng như các mối quan hệ rộng rãi nên hoạt động buôn bán của Bruton Smith cũng chỉ dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ.

Nhờ có điều kiện tiếp xúc với môi trường đua xe tại khu vực trường đua Charlotte Fairgrounds, Bruton Smith đã tranh thủ học được rất nhiều kiến thức quan trọng từ kỹ năng cơ bản của một vận động viên đua xe chuyên nghiệp cho tới các bước chuẩn bị, sửa chữa, bảo dưỡng xe. Từ những kiến thức học được, Bruton Smith quyết định đầu tư vào việc nhận sửa chữa, bảo dưỡng xe đua cho một số đội đua tại trường đua Charlotte Fairgrounds.

Tiếp tục tiến sâu vào các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đua xe, bên cạnh việc tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn, Bruton Smith tạo cho mình nhiều mối quan hệ quan trọng tại các đội đua. Nhận thấy các đường đua mặc dù còn ít và nhỏ nhưng luôn thu hút được số lượng khán giả rất lớn tới xem, Bruton Smith đưa ra một quyết định táo bạo là đầu tư xây dựng một đường đua mới cho các giải thi đấu lớn để kinh doanh.

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, Bruton Smith hợp tác cùng với người bạn thân là một cựu vận động viên đua xe, Curtis Turner, xây dựng đường đua Motor Speedway năm 1960. Điều đáng chú ý là ngay từ khi mới chuẩn bị thực hiện dự án, hầu hết mọi người đều không đồng tình với ý tưởng của Bruton Smith và thậm chí nhiều người còn chế nhạo vì họ không tin vào khả năng thành công của đường đua sau này.

Bất chấp tất cả những điều đó, ngay sau khi hoàn thành và được đưa vào sử dụng, Bruton Smith tổ chức giải đua xe NASCAR, một trong những giải đua lớn nhất và đường đua dài nhất thế giới vào thời điểm đó.

Thăng trầm cùng đường đua 

Do còn thiếu kinh nghiệm quản lý và huy động nguồn tài chính cũng như khả năng chuyên sâu về việc lập kế hoạch tổ chức các giải đấu nên sau một thời gian đi vào hoạt động, Motor Speedway bắt đầu gặp khó khăn và phải tuyên bố phá sản.

Không chùn bước trước thất bại đó, để từng bước khôi phục lại nguồn lực tài chính, Bruton Smith chuyển hướng sang kinh doanh các loại xe thể thao và tạm dừng tổ chức các giải thi đấu. Thông qua các mối quan hệ rộng rãi của mình, Bruton Smith nhanh chóng có được bản hợp đồng phân phối các loại xe đua và phụ tùng cho hãng ôtô Ford tại Charlotte.

Đóng tại khu vực từng được tổ chức nhiều giải đấu nổi tiếng với nhu cầu về các loại xe và phụ tùng là rất lớn nên mặc dù chỉ là một thị trường ngách, chi nhánh Bill Beck Ford vẫn khai thác triệt để được nhu cầu của thị trường. Bên cạnh việc phân phối nguồn hàng, Bruton Smith còn chú trọng tới các loại hình dịch vụ chăm sóc khách hàng. Nhờ đó, Bruton Smith nhanh chóng thu hút được đông đảo khách hàng thường xuyên.

Trong các giải đấu quy mô lớn, vấn đề đầu tiên được cả các vận động viên và đội đua đặt lên hàng đầu là yếu tố an toàn. Nếu như nhu cầu về các loại xe mới không phải là thường xuyên thì dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng lại là yếu tố không thể thiếu. Hơn ai hết, Bruton Smith là người hiểu rõ về điều này và ông quyết tâm khai thác triệt để nhu cầu này.

Cùng với các thế hệ xe được cung cấp ra thị trường, Bruton Smith chủ động đầu tư mở rộng dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa. Bằng các khoản đầu tư lớn vào mua sắm trang thiết bị, đào tạo nhân viên có tay nghề cao, Bill Beck Ford nhanh chóng thu hút được nguồn khách hàng lớn. Vốn rất tỉ mỉ, cẩn thận và luôn nghiêm khắc trong công việc, tất cả các bộ phận dưới sự điều hành của Bruton Smith luôn phải đảm bảo tốt chất lượng dịch vụ.

Đối với các vị trí quản lý, yêu cầu của Bruton Smith còn cao hơn rất nhiều; bên cạnh khả năng chuyên môn và kỹ năng lãnh đạo, họ còn phải đảm bảo về thâm niên kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đua xe thể thao.

Bước vào thập niên 70, sự phát triển mạnh của thị trường ôtô tại Mỹ với hàng loạt những thế hệ xe mới tiếp tục trở thành động lực làm tăng nhu cầu các loại xe đua mới phục vụ các giải đấu lớn. Số lượng các giải đấu và các đường đua mới đồng loạt xuất hiện ở nhiều khu vực trên nước Mỹ.

Bằng khả năng mẫn cảm của mình, Bruton Smith sớm phát hiện được cơ hội ngàn năm có một này và tập trung xây dựng chiến lược mở rộng thị trường. Dựa trên thế mạnh về tài chính, Bruton Smith đầu tư tìm kiếm những địa điểm thuận lợi gần các khu vực trường đua để xây dựng cơ sở vật chất.

Thông qua hàng loạt những bản hợp đồng chuyển nhượng franchise, tới giữa thập niên 70, mạng lưới phân phối xe thể thao kèm dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng của Bruton Smith đã mở rộng ra các bang Illinois, Texas. Cũng bắt đầu từ thời điểm này, tên tuổi của Bruton Smith nổi lên như một thế lực hùng mạnh trong lĩnh vực xe đua thể thao của Mỹ với 10 cửa hiệu sửa chữa và hai công ty bảo hiểm uy tín.

Ông chủ của những giải đua xe danh tiếng 

Sau hàng loạt những thành công trong lĩnh vực bán lẻ các loại xe đua, Bruton Smith thu về cho mình được những khoản lợi nhuận lớn. Vẫn ấp ủ giấc mơ tổ chức nên những đường đua lớn, Bruton Smith không ngần ngại đầu tư vào triển khai ngay dự án tái tạo doanh nghiệp Motor Speedway. Rút kinh nghiệm xương máu từ lần thất bại trước khâu quản lý tài chính cho tới cách thức tổ chức các giải đấu hay thực hiện các bản hợp đồng quảng cáo cho các hãng, Bruton Smith tiến hành công việc một cách bài bản trước khi tổ chức giải.

Những khoản đầu tư lớn nhất của Bruton Smith thuộc về xây dựng cơ sở hạ tầng, đường đua và sân vận động. Bruton Smith từng cho biết: “Nếu như với người khác, đầu tư vào xây dựng sân vận động lớn gấp 4 lần thì với tôi, con số này phải lên tới 10 bởi như thế quy mô của giải đấu sẽ được nâng cao hơn, khán giả sẽ tới đông hơn”.

Trước mỗi giải đấu, thay vì các phương thức quảng cáo thông thường trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bruton Smith cho tổ chức nhiều chương trình biểu diễn kết hợp với nhiều loại hình giải trí ngay trên đường đua. Do đó, giải đấu mang tên Charlotte Motor Speedway thu hút được rất nhiều khán giả tới trực tiếp theo dõi.

Con đường đi tới thành công của Bruton Smith cho tới bây giờ với nhiều người vẫn như một câu chuyện cổ tích. Từ những đường đua, các khoản lợi nhuận mà Bruton Smith thu về tăng nhanh tới chóng mặt. Theo đà phát triển mạnh của các đường đua và các chương trình quảng bá hình ảnh rầm rộ của các hãng xe hơi lớn, Bruton Smith tập trung đẩy mạnh chiến lược mở rộng hoạt động đầu tư tổ chức nhiều giải đua lớn tại Mỹ.

Cũng với phương thức chuyển nhượng franchise, các đường đua Atlanta Motor Speedway, Indianapolis Motor Speedway, North Carolina’s North Wilkesboro Speedway lần lượt thuộc quyền kiểm soát của Bruton Smith. Bằng các khoản đầu tư hàng trăm triệu USD vào việc cải tạo đường đua và khán đài dành cho khán giả cùng những bản hợp đồng liên kết quảng cáo với các hãng xe, các giải đấu do Bruton Smith tổ chức liên tục thu hút được đông đảo lượng khán giả theo dõi trực tiếp và gián tiếp trên các kênh truyền hình.

Chỉ tính riêng đường đua Texas Motor Speedway (TMS) tại Fort Worth, sau khi thuộc quyền kiểm soát của Bruton Smith, bằng những khoản đầu tư lớn vào cải tạo, xây dựng và mở rộng quy mô, giá trị của Texas Motor Speedway đã lên tới 250 triệu USD, trở nên đường đua lớn thứ 2 tại Mỹ.

Tại mỗi chi nhánh, bằng tài dùng người của mình, Bruton Smith đều thu hút được những nhà quản lý có đủ khả năng xây dựng và tổ chức giải đấu một cách độc lập. Nhờ đó, hệ thống các giải đua xe tại các khu vực đều được duy trì một cách ổn định.

Điển hình nhất là trường hợp của Humpy. Từng là một vận động viên chuyên nghiệp và nắm giữ cương vị lãnh đạo trong nhiều năm của doanh nghiệp Firestone Rubber & Tire Company, khi về Bill Beck Ford, Humpy là người trực tiếp xây dựng thành công nhiều chương trình mở rộng doanh nghiệp và trở thành cánh tay đắc lực trong các chiến lược kinh doanh của Bruton Smith.

Điều tạo ra sự khác biệt giữa Bruton Smith với những đồng nghiệp khác chính là khả năng tạo ra yếu tố đặc biệt trong các chương trình đầu tư. Ngoài việc giành quyền kiểm soát nhiều đường đua, sau những khoản đầu tư vào cải tạo và tổ chức các giải đấu lớn gây tiếng vang lớn, Bruton Smith còn thực hiện thành công không ít hợp đồng nhượng quyền sử dụng đường đua cho các đối tác để thu về những khoản lợi nhuận không nhỏ.

Tính tới thời điểm hiện nay, với mạng lưới các chi nhánh là các đường đua nằm ở hầu hết các trung tâm giải trí lớn của Mỹ từ Bristol, Tennessee; Las Vegas, Nevada; Sonoma tới California đều thuộc quyền kiểm soát của hai doanh nghiệp mẹ Sonic Automotive và Speedway Motorsports (SMI), Bruton Smith đã khẳng định vị trí hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh thể thao giải trí tại Mỹ.

Thursday 24 February 2011

Huyền thoại của Walt Disney



Không trực tiếp thành lập tập đoàn Walt Disney nhưng lại góp công đầu trong việc tái tạo và giúp doanh nghiệp điện ảnh nổi tiếng thế giới này chiếm lĩnh thị trường thế giới. Người đó không ai khác chính là cựu Giám đốc điều hành của Walt Disney, Michael Eisner.

Thông minh, nhanh nhạy và bắt đầu một cuộc sống tự lập từ sớm với vị trí là nhân viên giúp việc tại xưởng phim truyền hình, Michael Eisner đã từng bước khẳng định được vị trí của mình trong nhiều vị trí công việc tiếp theo tại các xưởng phim của Hollywood.

Cùng với đó, Michael Eisner trở thành một trong ba nhân vật trọng yếu nhất của Hollywood và là một trong những người giầu nhất hành tinh với số tài sản cá nhân lên tới hàng tỷ đôla.

Sau khi khẳng định được tài năng quản lý của mình tại Daytime Programming và Paramount Pictures, Michael Eisner đã tới Walt Disney. Trên cương vị là giám đốc điều hành, Michael Eisner đã mang lại một nguồn sinh lực mới cho tập đoàn Walt Disney.

Từ những năm thập niên 80 cho tới những năm thập niên 90, tài năng của Michael Eisner đã giúp hãng phim Walt Disney có được những bước phát triển nhảy vọt và trở thành một hãng phim hàng đầu thế giới.


Niềm đam mê phim ảnh 

Michael Eisner sinh ngày 7/3/1942 tại Mt. Kisco, New York, Mỹ. Cha của Michael Eisner, ông Lester Eisner là một luật sư tài năng, một nhà đầu tư có tiếng nên ông Lester Eisner rất hiểu được tầm quan trọng của việc học hành, do đó, ông luôn tạo cho Michael Eisner điều kiện học tập thuận lợi nhất.

Mặc dù vậy, không hoàn toàn theo những mong muốn của bố, Michael Eisner lại chỉ đạt được mức độ học tập trung bình khá và thay vào đó, cậu lại tỏ ra rất mê phim ảnh trên các chương trình TV.

Và mặc dù ông Lester Eisner đã đưa ra cho cậu con trai những quy định chặt chẽ về việc học tập và ít cho cậu xem phim ảnh nhưng Michael Eisner vẫn cố gắng tìm mọi cách tranh thủ một tới hai giờ để xem chương trình mà mình ưa thích trên TV.

Tốt nghiệp trung học, theo những thiên hướng đã được thể hiện, Michael Eisner đã quyết định thi vào học tại Khoa văn học và sân khấu của trường Đại học Denison University, Granville, Ohio.

Trong thời gian học đại học, ngoài những giờ lên lớp, Michael Eisner còn tranh thủ kiếm việc làm thêm tại xưởng phim NBC ở New York. Công việc ban đầu chỉ là một nhân viên bình thường nhưng với lòng đam mê nghệ thuật phim ảnh và một ý chí tự lập quyết tâm đi theo nghề đã chọn, trong những kỳ nghỉ hè, thay bằng việc dành thời gian cho các hoạt động vui chơi như nhiều bạn bè khác, Michael Eisner tập trung hết vào các công việc tại NBC.

Vừa làm vừa tranh thủ học hỏi kinh nghiệm, do đó, ngay khi chưa tốt nghiệp Michael Eisner đã thạo nghề và tạo được uy tín đối với các nhà quản lí của NBC. Tới năm 1964, sau khi tốt nghiệp, Michael Eisner đã được nhận ngay vào làm thư ký chính thức của xưởng phim NBC.

Miệt mài và thông minh, chỉ sau đúng 6 tuần được làm việc chính thức, Michael Eisner đã thể hiện được khả năng kinh doanh của mình và được ban lãnh đạo công ty đưa lên làm việc tại bộ phận xây dựng chương trình của NBC. Tại vị trí công việc mới này, Michael Eisner được giao đảm trách thực hiện các chương trình nghiên cứu để đưa các chương trình dành cho trẻ em.

Mặc dù công việc rất tiến triển, tuy nhiên, với tham vọng ngày một lớn của mình, cùng với những công việc tại NBC, Michael Eisner đã không ngần ngại viết và gửi đi hàng trăm lá thư tìm kiếm công việc mới. Và may mắn đã tới với Michael Eisner, trong số hàng trăm lá thư được gửi đi, chỉ có một bức thư được hồi âm đó là của Barry Diller, nhà quản lý tài năng của công ty sản xuất chương trình truyền hình ABC.

Sau khi rời NBC, Michael Eisner đã được Barry Diller nhận và sắp xếp vào vị trí trợ lí Giám đốc chi nhánh National Programming của ABC. Tại vị trí công việc mới, Michael Eisner đã được giao trọng trách thực hiện những bộ phim truyền hình dành cho các chương trình TV.

Cho dù chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng tài năng của Michael Eisner đã được thể hiện một cách đúng lúc. Chỉ sau đúng 1 năm làm việc, Michael Eisner đã nghiên cứu và đưa vào thực hiện dàn dựng thành công bộ phim truyền hình Feelin’Groovy at Marine World. Tác phẩm này của Michael Eisner đã gây được tiếng vang đối với công chúng, đồng thời đánh dấu sự xuất hiện đầy ấn tượng của Michael Eisner tại kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood.

Chìa khóa thành công của các doanh nghiệp điện ảnh 

Chỉ sau khi Feelin’Groovy at Marine World ra mắt công chúng được một năm, Michael Eisner đã tiếp tục được giao một trọng trách cao hơn, đó là người quản lí, khai thác tài năng và sau đó là giám đốc chương trình phát triển của chi nhánh East Coast.

Tại ABC, tài năng của Michael Eisner luôn tỷ lệ thuận với sự thăng tiến trong công việc. Ngoài khả năng thu hút, kết hợp năng khiếu của các nhân tài trong lĩnh vực điện ảnh, Michael Eisner còn xây dựng được những chương trình truyền hình đặc sắc phục vụ cho chiến lược thu hút khách hàng ở tầm vĩ mô của công ty. Một trong những chương trình mà Michael Eisner đã xây dựng thành công nhất tại ABC là chuyên mục giải trí dành cho thiếu nhi vào thứ 7 hàng tuần.

Trong chuyên mục này, Michael Eisner đã kết hợp thành công tài năng của hai nhóm nhạc nổi tiếng thời điểm đó là nhóm Jackson Five và Osmond Brothers. Với nội dung phong phú có sức lôi cuốn đối với các khán giả nhí, Michael Eisner đặc biệt chú trọng tới tính giáo dục nhằm tạo cho trẻ em những hành vi mang tính nhân văn.

Trong nhiều năm làm việc tại ABC, Michael Eisner còn mang lại cho khán giả nhiều chương trình đặc sắc khác như Happy Days, Welcome Back Kotter, Barney Miller, Starsky và Hutch, All My Children, One Life To Live...Năm 1971, Michael Eisner được bầu vào vị trí Phó chủ tịch của ABC.

Nhờ tài năng của Michael Eisner, sau nhiều năm chỉ đứng ở vị trí thứ 3 trên các kênh truyền hình, ABC đã vươn lên vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng. Khép lại những năm tháng mang lại không ít thành công cho ABC, năm 1974, Barry Diller đã được chuyển sang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch của Paramount Pictures và Michael Eisner là người đầu tiên được tiến cử sang làm việc cùng ông.

Khi đó Paramount Pictures vẫn chỉ là một hãng phim nhỏ, nguồn tài chính còn hạn hẹp, sức cạnh tranh còn yếu và đang đứng ở tốp cuối bảng xếp hạng các hãng phim. Được giao đảm nhiệm vị trí là người điều hành của Paramount Pictures, Michael Eisner tiếp tục phát huy thực sự hiệu quả những bài học kinh nghiệm quý báu từ khi còn làm việc tại ABC.

Tại Paramount Pictures, một công ty chuyên sản xuất những tác phẩm phim ảnh cung cấp cho thị trường nên các công việc của Michael Eisner đã có sự khác biệt. Vấn đề đầu tiên mà Michael Eisner phải giải quyết chính là nghiên cứu xu thế nhu cầu của thị trường để đưa vào sản xuất những tác phẩm thời thượng nhưng cắt giảm được đến mức thấp nhất những chi phí. Đây là một bài toán không hề đơn giản vì hầu hết các bộ phim được dàn dựng hoành tráng, đạt doanh thu cao đều cần những khoản chi phí lớn.

Chính vì vậy, ngay từ những bước ban đầu để xây dựng một tác phẩm, Michael Eisner đều phải lên kế hoạch hết sức tỉ mỉ để loại khỏi danh sách nhiều khoản chi phí không cần thiết. Nhờ đó, các khoản chi phí cho các bộ phim của Paramount Pictures đã được giảm thiểu, trong khi mỗi bộ phim của các hãng khác tiêu tốn trung bình khoảng 12 triệu USD thì những bộ phim của Paramount Pictures chỉ phải chi khoảng 8,5 triệu USD.

Dưới “triều đại” của Michael Eisner, hàng loạt những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như Raiders of the Lost Ark, Saturday Night Fever, Grease, Heaven Can Wait, Ordinary People, Terms of Endearment, An Officer and a Gentleman, The Elephant Man, Reds, Flashdance, Footloose, Trading Places, Beverly Hills Cop, Airplane đã được ra đời. Tới năm 1978, dưới sự kết hợp hoàn hảo giữa Barney Miller và nhà quản lí tài năng Michael Eisner, Paramount Pictures đã chính thức vươn lên vị trí một trong 10 hãng phim mạnh nhất tại Hollywood.

Khôi phục và phát triển thành công Walt Disney 

Năm 1984, sau gần 10 năm gắn bó với Paramount Pictures, Michael Eisner đã được mời về đảm trách vị trí Giám đốc điều hành của hãng phim hoạt hình nổi tiếng Walt Disney. Sự xuất hiện của Michael Eisner chính là bước ngoặt quan trọng của Walt Disney.

Là một hãng phim nổi tiếng, tuy nhiên, sau khi nhà sáng lập Walt Disney qua đời, Walt Disney mặc dù vẫn duy trì được ở mức ổn định nhưng trên thực tế, công ty đang phải đối mặt với những khó khăn do thiếu người lãnh đạo thực sự tài năng.

Do đó, ngay sau khi bắt tay vào công việc, Michael Eisner đã tính ngay tới chương trình tuyển mộ nhân tài quản lí để cùng với mình khôi phục lại vị trí của Walt Disney trên thị trường điện ảnh. Lại một lần nữa, bằng con mắt tinh tường của một doanh nhân nhiều năm hoạt động trong ngành công nghiệp điện ảnh lại giúp Michael Eisner thành công.

Ngay sau đó, nhà quản lí tài năng có nhiều kinh nghiệm là Jeffrey Katzenberg đã được mời về góp sức tái tạo Walt Disney. Tuy nhiên, để có thể đưa các hoạt động của công ty vào ổn định, trong khoảng thời gian đầu, Michael Eisner đã phải trải qua những khó khăn chồng chất mà ông chưa từng gặp phải trong sự nghiệp kinh doanh của mình. Từ nguồn vốn, thị trường cho tới những mạng lưới quảng bá và phân phối các sản phẩm của Walt Disney Company đều cần phải khôi phục.

Với tính cách mạnh mẽ và luôn lạc quan, không bao giờ chịu chùn bước trước những khó khăn, Michael Eisner quyết tâm đưa Walt Disney đi lên theo cách của mình nhưng vẫn giữ nguyên tinh hoa của các tác phẩm hoạt hình truyền thống.

Từ nguồn lực đã có, Michael Eisner tập trung xây dựng các tác phẩm giầu chất trí tuệ để tạo sự cuốn hút đối với các khán giả nhỏ tuổi đồng thời chiếm được ưu thế trước các đối thủ khác. Không lâu sau đó, hàng loạt các tác phẩm đặc sắc đã được trình chiếu trước công chúng như Lady and the Tramp, Bambi and Cinderella, Aladdin, The Lion King...

Ngay từ thời điểm xuất hiện, các tác phẩm này đã được đón nhận nồng nhiệt, sức hấp dẫn không chỉ dừng lại ở các khán giả nhỏ tuổi nữa mà ngay cả người lớn khi xem thì cũng đều bị cuốn hút. Từ những sản phẩm để đời đó, Michael Eisner đã mang về cho Walt Disney một nguồn lợi nhuận khổng lồ.

Chỉ tính khoản lợi nhuận từ phân phối băng video gia đình trong năm 1986, Walt Disney đã thu được 100 triệu USD tiền lãi. Trong suốt những năm nửa cuối thập niên 80 cho tới những năm cuối của thập niên 90, dưới tài mưu lược của Michael Eisner, Walt Disney luôn duy trì được mức tăng trưởng cao và vươn lên trở thành một trong những thế lực hùng mạnh của ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ có nguồn vốn 16 tỷ USD.

Để quảng bá cho các tác phẩm của Walt Disney ra thị trường thế giới, tranh thủ sự phát triển của mạng công nghệ thông tin, Michael Eisner đã thiết lập các kênh truyền hình trực tuyến, kênh truyền hình qua vệ tinh đồng thời đầu tư xây dựng các trung tâm giải trí mang thương hiệu Walt Disney ở Tokyo, Hồng Kông.

Tính từ khi bắt đầu cho tới khi kết thúc công việc tại Walt Disney Company, Michael Eisner đã biến khoản tiền lãi 1,7 tỷ USD ban đầu lên con số 25,4 tỷ USD. Song song với công việc điều hành tại các công ty, ngay từ những ngày đầu mới vào nghề, Michael Eisner đã có những khoản đầu tư riêng tại các doanh nghiệp kinh doanh điện ảnh, cùng với thời gian, số tài sản cá nhân của Michael Eisner ước tính đã lên tới hàng tỷ đôla.

Hiện nay, dù đã nghỉ hưu nhưng với những đóng góp quan trọng cho Walt Disney, Michael Eisner sẽ mãi là một vị giám đốc điều hành huyền thoại của hãng phim danh tiếng này.

Monday 21 February 2011

Donald Trump, nhà đầu tư bất động sản tầm cỡ của Mỹ



Ở Mỹ, ít người không biết tới ông trùm bất động sản Donald Trump với mái tóc luôn được chăm sóc tỉ mỉ như một nghệ sỹ thực thụ.

Được thừa hưởng truyền thống kinh doanh của gia đình và những khả năng hoạch định các chiến lược thiên bẩm, Donald Trump nhanh chóng khẳng định được tên tuổi trên thị trường bất động sản đầy tiềm năng nhưng cũng không ít áp lực cạnh tranh của Mỹ.

Theo thời gian, bằng tầm nhìn xa trông rộng và luôn biết chớp thời cơ một cách đúng lúc, các dự án đầu tư vào nhiều lĩnh vực mà trong đó chủ yếu là lĩnh vực bất động sản của Donald Trump liên tục thành công và thu về những khoản lợi nhuận kếch xù. Tới nay, theo số liệu thống kê của Tạp chí Forbes, tổng số khối tài sản cá nhân của Donald Trump đã lên tới 2,9 tỷ USD, đưa ông trở thành một trong những doanh nhân giàu nhất thế giới.

Sự nghiệp kinh doanh của Donald Trump sớm được bắt đầu từ những dự án bất động sản quy mô nhỏ của gia đình. Sau khi được thừa hưởng một doanh nghiệp bất động sản nho nhỏ của người cha, Donald Trump đã không chỉ tiếp tục phát triển thành công nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực bất động sản mà hơn thế nữa còn lan tỏa sang nhiều lĩnh vực kinh doanh khác như lĩnh vực giải trí, truyền thông và mở rộng thị trường ra nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực...

Câu chuyện về trùm BĐS Donald Trump

Nối nghiệp gia đình 

Những thành công có được ngày nay của Donald Trump có một phần ảnh hưởng không nhỏ từ truyền thống kinh doanh của gia đình. Là thế hệ thứ ba tiếp tục sự nghiệp kinh doanh, trước khi Donald Trump kế tục sự nghiệp, ông nội của cậu từng là một doanh nhân chuyên kinh doanh bất động sản.

Do ông nội qua đời sớm, bố của Donald Trump - Fred C. Trump cũng sớm phải tiếp tục công việc kinh doanh của gia đình tại các dự án xây dựng các khu nhà ở ngoại vi New York. Chính ông Fred C. Trump cũng là người đã sớm phát hiện ra những nguồn lợi bất tận trong lĩnh vực bất động sản nhưng lại chưa thực hiện được.

Có thể nói, cả thế hệ ông và cha của Donald Trump đều chưa gặt hái được những thành công lớn trong lĩnh vực bất động sản nhưng đó lại trở thành những bài học đầu đời góp phần xây dựng lên những phẩm chất kinh doanh bậc thầy cho Donald Trump sau này. Sinh ngày 14 tháng 6 năm 1946 tại Queens, New York, Mỹ, Donald Trump sớm được gia đình tạo điều kiện học tập rất tốt để nối nghiệp gia đình.

Năm 13 tuổi, khi còn đang học tại trường trung học Kew-Forest School tại Forest Hills, Queens, Donald Trump được bố gửi vào Học viện quân sự New York với hy vọng đây sẽ là một môi trường tốt tôi luyện cho cậu con trai có được tính quyết đoán và một nghị lực phi thường.

Điều đáng nói là ngay từ khi còn học tại Kew-Forest School và cả khi đã vào Học viện quân sự New York, kết quả học tập của Donald Trump luôn chỉ đạt mức trung bình. Khác với sự cần mẫn thường thấy ở các bạn học cùng lớp, hầu như Donald Trump không mấy khi để ý tới học tập mà thay vào đó, cậu luôn dành thời gian cho những hoạt động thực tế mang tính cạnh tranh cao như chơi bóng đá. Donald Trump từng tham gia đội bóng của trường với vai trò là đội trưởng và từng được vinh dự nhận danh hiệu Coach's Award, Senior Year.

Dưới sự định hướng của gia đình, tốt nghiệp Học viện quân sự New York, Donald Trump thi vào học Đại học Fordham và sau đó là trường tài chính Wharton thuộc Đại học Pennsylvania. Tới năm 1968, tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân trong tay, Donald Trump quay về làm việc cho các dự án bất động sản của bố.

Trong khoảng thời gian làm việc cùng với bố tại văn phòng đặt tại Sheepshead Bay, Brooklyn, New York, Donald Trump từng trực tiếp tiến hành nhiều dự án đầu tư nhỏ và thu được một số thành công. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong khoảng thời gian này là Donald Trump đã học được những kinh nghiệm, những mánh lới cơ bản trong nghề kinh doanh bất động sản.

Chính Donald Trump sau này từng nói “bố tôi là người thầy quan trọng nhất trong sự nghiệp kinh doanh của tôi và may mắn của tôi là sớm học được những kiến thức, kinh nghiệm cần thiết nhất trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản”. Đáp lại những nỗ lực của bố, Donald Trump luôn chứng minh được tài năng thông qua không ít các dự án đầu tư do chính cậu thực hiện.

Nhận xét về cậu con trai mình, ông Fred C. Trump không quá lời khi khẳng định “một phần không nhỏ trong số các dự án của tôi đều do con trai tôi thực hiện và với Donald Trump thì mọi thứ nó động vào sẽ đều có thể biến thành vàng”.

Thành công trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản 

Sau đúng 5 năm làm việc tại các dự án của bố, thấy những khoản lợi nhuận kiếm được không tương xứng với điều kiện công việc và triển vọng của các dự án, Donald Trump quyết định sẽ tự mình sẽ tìm kiếm các cơ hội kinh doanh để phát triển theo hướng riêng có hiệu quả và thu nhiều lợi nhuận hơn. Từ khoản vốn được thừa kế từ gia đình, năm 1971, Donald Trump tới Mahattan tìm cơ hội đầu tư.

Để tạo được dấu ấn cho các dự án đầu tư và chiếm lòng tin với đối tác cũng như khách hàng, Donald Trump thành lập nên doanh nghiệp bất động sản mang tên Trump Organization. Bằng bản năng nghề nghiệp kết hợp với những tính toán quyết đoán có phần liều lĩnh của mình, bất chấp nguồn vốn vẫn còn hạn chế, sau khi đặt chân tới Mahattan, Donald Trump mua ngay một khu đất bỏ hoang tại khu vực dọc bờ sông Hudson và đưa vào xây dựng thành những khu chung cư cao cấp Trump Place.

Nhờ những khoản đầu tư mạnh vào khâu thiết kế với phong cách nhà ở hiện đại, Trump Place đánh đúng vào nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng nên dù giá bán cao hơn những căn hộ trên thị trường nhưng những khu chung cư nhiều tầng của Donald Trump vẫn bán rất chạy. Đây là dự án đầu tiên mang lại thành công lớn cho Donald Trump và cũng là nguồn động lực thúc đẩy ông tiếp tục có những quyết định lớn hơn, táo bạo hơn.

Trên cơ sở thành công ban đầu, Donald Trump từng bước đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu, đầu tư xây căn hộ chung cư cao cấp đồng thời bắt đầu tính tới các dự án đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại. Nhằm huy động nguồn vốn cho các dự án, bên cạnh những khoản thế chấp vay ngân hàng, Donald Trump còn tìm kiếm được những đối tác nhiều tiềm năng như các nhà đầu tư tầm cỡ thuộc dòng họ Pritzker.

Một trong những dự án đầu tư lớn đánh dấu tên tuổi của Donald Trump trên thị trường bất động sản đáng phải nhắc tới là khu trung tâm Trump Tower với quần thể bao gồm 68 tầng, trong đó có cả những căn hộ cao cấp phục vụ nhu cầu nhà ở và kinh doanh.

Song song với đó, Donald Trump nghiên cứu mở rộng đầu tư sang lĩnh vực khách sạn. Một mặt ông tìm cách thâu tóm khách sạn St. Moritz Hotel, Commodore Hotel (nay là Grand Hyatt Hotel) rồi đầu tư cải tạo thành những khách sạn cao cấp hàng đầu thế giới. Mặt khác, Donald Trump trực tiếp đầu tư mua đất xây dựng khách sạn Trump International Hotel and Tower. Đây là khu quần thể bao gồm phần lớn là dịch vụ khách sạn kết hợp với các gian hàng cho thuê bán những sản phẩm nổi tiếng hàng đầu thế giới.

Trên quan điểm sang trọng nhưng phải độc đáo, Donald Trump thuê kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Philip Johnson về đảm trách khâu thiết kế công trình. Nhờ đó, khi đưa vào hoạt động, Trump International Hotel and Tower được bình chọn là một trong 3 khách sạn của Mỹ đạt tiêu chuẩn 5 sao cho cả dịch vụ khách sạn và nhà hàng. Đây cũng là một trong số ít những khách sạn được tặng giải thưởng Five Star Diamond Award của Tổ chức American Academy of Hospitality Services.

Có thể nói chuỗi thành công của Donald Trump luôn tăng theo số tuổi của ông và càng về giai đoạn sau, thành công càng lớn hơn. Ở hầu hết các trung tâm kinh tế lớn nhất của Mỹ, Donald Trump đều lần lượt góp mặt với những tòa cao ốc sang trọng hàng đầu thế giới trị giá từ hàng triệu tới hàng trăm triệu USD như Trump World Tower, 555 California Street, The Trump Building, Trump Entertainment Resorts, Trump International Hotel and Tower, Trump Park Avenue...và tạo nên khối tài sản khổng lồ 2,9 tỷ USD.

Khẳng định thành công tên tuổi tại thị trường bất động sản trong nước, Donald Trump tập trung hướng tầm mắt ra thị trường bất động sản thế giới. Chỉ dưới một thương hiệu duy nhất và uy tín nhất Trump International Hotel and Tower, Donald Trump đã tiến ra được thị trường Ấn Độ, Hàn Quốc, Ả Rập thống nhất. Theo dự tính, trong năm 2008 và 2009, một số dự án Trump International Hotel and Tower Panama, Toronto, Honolulu.

Là một doanh nhân nhưng lại là một người rất đam mê nghệ thuật điện ảnh, Donald Trump từng tham gia vào khâu sản xuất của rất nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như Home Alone 2, Lost in New York, The Nanny, The Fresh Prince of Bel-Air, Days of Our Lives. Năm 2001, ông còn tham gia chương trình Da Ali G Show cùng với Sacha Baron Cohen.

Tới năm 2003, ông còn được mời đảm nhiệm cương vị Giám đốc sản xuất kiêm người dẫn chương trình The Apprentice của kênh truyền hình NBC. Đặc biệt, Donald Trump liên kết với kênh truyền hình NBC xây dựng lên Tổ chức Miss Universe Organization chuyên tổ chức chương trình Hoa hậu hoàn vũ, Hoa hậu Mỹ và Hoa hậu thiếu niên Mỹ.

Khó khăn và những bí quyết kinh doanh 

Nhìn vào chuỗi những thành công mà Donald Trump đã có hiện nay, hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng con đường đi tới vinh quang của ông là rất bằng phẳng. Tuy nhiên, trên thực tế, để có được mỗi bước thành công đó, Donald Trump đã từng phải trải qua không ít những khó khăn mà chỉ có Donald Trump mới đủ tài trí để vượt qua.

Từ những khó khăn về tài chính cho tới những núi nợ khổng lồ đều đã từng đè nặng lên đôi vai Donald Trump, mặc dù vậy, tất cả đều có một điểm chung là chưa có khó khăn nào hạ gục hẳn được ông mà tất cả chỉ có thể làm ông lùi một bước rồi lại tiến thêm những bước dài hơn.

Một trong số những thất bại đáng nói nhất của Donald Trump là vào thời điểm năm 1990, do tác động của sự suy thoái trên thị trường bất động sản, khoản nợ 1 tỷ USD của Donald Trump vay Taj Mahal với lãi suất cao để đầu tư vào dự án xây dựng sòng bạc đã tăng lên rất nhanh. Tới năm 1991, khoản nợ hầu như không có khả năng thanh toán và Donald Trump đã phải tuyên bố phá sản.

Liên tiếp những năm sau đó, Donald Trump còn phải đối mặt với hàng loạt những vấn đề khó khăn về tài chính và các khoản nợ lớn tại dự án Trump Plaza Hotel, Trump Hotels & Casino Resorts, Trump Entertainment Resorts Holdings. Thậm chí, có thời điểm, khoản nợ của Donald Trump lên tới con số gần 2 tỷ USD. Trong tất cả những tình huống khó khăn đó, Donald Trump, bằng những tính toán mang tầm chiến lược của mình, đều có được những cách giải quyết hòa hoãn tối ưu thông qua đàm phán để thoát hiểm.

Nổi tiếng với tài năng kinh doanh, khả năng đàm phán và tính quyết đoán, khép lại chuỗi thành công trên thương trường, mong muốn truyền đạt lại những kinh nghiệm kinh doanh quý báu của mình cho mọi người và đặc biệt là thế hệ trẻ, Donald Trump dành thời gian viết nhiều cuốn sách như tham khảo nghệ thuật kinh doanh và bán rất chạy như cuốn “Nghệ thuật đàm phán trong kinh doanh”, “Nghệ thuật sống sót trong kinh doanh”, “Làm giầu như thế nào”, “Những điều bạn cần biết về thành công, bất động sản và cuộc sống”, “Những lời khuyên quý báu tôi luôn ghi nhớ”, “Những lời khuyên quý báu cần ghi nhớ khi kinh doanh bất động sản” và mới đây nhất là cuốn “Trump không bao giờ bỏ cuộc và cách biến những khó khăn thành thành công”.

Với tài năng, uy tín và tấm lòng hảo tâm của mình, ông còn thành lập lên quỹ từ thiện Trump Foundation đồng thời nắm giữ chức vụ đồng Chủ tịch của Quỹ từ thiện cựu chiến binh New York - Việt Nam.

Sunday 20 February 2011

Chân dung "ông trùm" thương mại điện tử Trung Quốc



Với dáng người bé nhỏ, bộ quần áo rộng thùng thình và vẻ mặt tinh quái, Jack Ma không phải là một thần tượng của làng giải trí.

Nhưng khi đi trên phố, trên tàu điện hoặc tại sân bay, ông vẫn thường xuyên phải dừng lại vì người hâm mộ hỏi xin bút tích.

Là người sáng lập Alibaba.com - một trong những website thương mại điện tử lớn nhất và thành công nhất với trị giá trị thị trường có lúc lên tới 26 tỷ USD - Jack Ma có thể làm mê hoặc đông đảo người nghe bằng những phát biểu về tương lai của lĩnh vực thương mại điện tử của Trung Quốc. Ông còn được coi là Bill Gates của Trung Quốc và nằm trong số những người có ảnh hưởng nhất đền ngành công nghệ thông tin thế giới.

Nhưng khi trò chuyện riêng, Ma thú nhận rằng ông là người hay xấu hổ và không thực sự thích thú với sự chú ý của đám đông ngưỡng mộ.


Từ con số không… 

Thành công đến vậy nhưng Jack Ma chưa từng học qua một trường lớp công nghệ nào. Ngạc nhiên hơn nữa, ông nguyên là một giáo viên tiếng Anh.

Sinh năm 1960 tại Hàng Châu trong một gia đình có bố công tác trong ngành kịch nói, mẹ làm trong lĩnh vực sửa chữa đồng hồ, Ma lớn lên với giấc mơ trở thành một một cảnh sát hoặc một nhà khoa học. Nhưng ngay từ bé, ông đã tỏ ra rất có năng khiếu học tiếng Anh và vô cùng yêu thích môn học này.

Từ năm 12 tuổi, ngày nào cũng vậy, dù mưa hay nắng ông cũng đi xe đạp 45 phút tới một khách sạn để nói chuyện với các du khách người Mỹ, qua đó trau dồi tiếng Anh. Ròng rã như thế trong 9 năm trời, cộng với bằng Đại học Sư phạm Hàng châu Khoa Tiếng Anh, ông đã trở thành một người cực giỏi thứ ngôn ngữ này và hoàn toàn có thể sống sung túc, yên ả bằng nghề dạy học và biên phiên dịch.

Nhưng vào năm 1985, chuyến đi thăm một người bạn ở Australia đã làm thay đổi định hướng cuộc đời Ma. Ông nhớ lại: “Những gì mà tôi được học trước đó ở trong nước là Trung Quốc là nước giàu nhất trên thế giới. Nhưng khi tới Australia, tôi thấy mọi cái khác hẳn. Tôi bắt đầu nghĩ mình phải dùng đến trí óc của chính mình để đánh giá, để suy nghĩ.” Sau đó, Ma bắt đầu để ý nhiều hơn đến các hoạt động kinh doanh.

Và cuộc đời vẫn có những ngã rẽ không thể ngờ tới. Năm 1995, có nghĩa là mới cách đây hơn 10 năm, trong một một đoàn doanh nghiệp đi Mỹ, một doanh nhân Mỹ nói với ông rằng, với Internet, chỉ cần ngồi nhà cũng có thể tìm hiểu thông tin doanh nghiệp. Thế là, mặc dù mới lần đầu biết thế nào Internet, Jack Ma đã thấy ngay đây là một nguồn khai thác thông tin rất tuyệt vời.

Về nước, Ma hăng hái lên mạng nhưng thất vọng khi chẳng thấy thông tin nào về các doanh nghiệp Trung Quốc. Ý tưởng thành lập một website chuyên cung cấp thông tin về các doanh nghiệp Trung Quốc bất ngờ xuất hiện từ đó.

Cùng với việc viết đơn xin thôi việc, Ma vay bạn bè được số tiền 2.000 USD và bắt tay ngay vào việc thực hiện ý tưởng của mình. Với những mối quan hệ rộng rãi trong thời gian đi làm phiên dịch, ông đã nhận được sự hỗ trợ về thông tin và kỹ thuật từ nhiều nguồn, trong đó có Bộ Ngoại thương Trung Quốc, để xây dựng website. Với ông khi đó, hỗ trợ kỹ thuật là vô cùng quan trọng vì ông hoàn toàn mù tịt với mảng này.

Hăng say với ý tưởng mới, mỗi ngày Ma làm việc tới 16 tiếng đồng hồ. Hiện công ty của ông có trên 3.000 nhân viên, nhưng ở thời điểm đó, nỗ lực lắm Ma cũng chỉ dám thuê hơn 20 người. Khi đó, ở Trung Quốc, Internet vẫn là một thứ xa xỉ, nên không ít người cho việc làm của Ma là phí công vô ích.

Qua tìm hiểu ở Mỹ, Ma cũng biết, không giống như những trang web giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, kiểu website giao dịch giữa các doanh nghiệp như ông đang xây dựng rất dễ gặp thất bại. Do đó, trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bùng nổ ở Trung Quốc, ông quyết định hướng website của mình vào đối tượng này.

Với ước muốn trang web thông tin của mình sẽ là cả một kho báu thông tin vô tận và quí giá cho mỗi doanh nghiệp, giống như kho báu mà Alibaba đã mở ra trong câu chuyện cổ tích “Alibaba và 40 tên cướp”, Ma quyết định lấy cái tên Alibaba để đặt cho trang web này.

Nhưng toàn bộ số vốn mà Ma có ban đầu chẳng mấy chốc đã hết veo. Lại một lần nữa ông chạy đôn đáo khắp nơi để vay mượn. Lần này, dù vẫn e dè trước dự án của Ma, bạn bè và họ hàng cũng cho Ma vay tổng số tiền 60.000 USD. Nhưng số vốn này vẫn còn quá ít ỏi so với những yêu cầu của việc xây dựng trang web, và không bao lâu sau, Ma lại nhẵn túi. Nhưng ông quyết tâm không bỏ cuộc.

Với tài ăn nói khéo léo và những mối quan hệ rộng rãi, Ma đã thuyết phục được một quỹ đầu tư mạo hiểm của ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) bỏ ra 5 triệu USD để đầu tư vào công ty của ông.

…đến công ty nhiều tỷ USD 

Với chất lượng dịch vụ tốt, giá cả phải chăng, số lượng khách hàng đăng ký sử dụng Alibaba không ngừng tăng lên. Alibaba.com có hai website con là Alibaba International và Alibaba China.

Alibaba International hiện là cổng thương mại điện tử cho giao dịch giữa các doanh nghiệp lớn nhất thế giới với 2.5 triệu người đăng ký sử dụng từ hơn 200 quốc gia. Mỗi ngày, có hơn 500.000 người truy cập vào trang này. Nhờ website, một cơ sở sản xuất đồ chơi quy mô gia đình của Trung Quốc cũng có thể bán hàng trực tiếp cho một công ty Mỹ.

Còn Alibaba China đã trở thành website thương mại điện tử tiếng Trung lớn nhất thế giới, với khoảng 14 triệu người đăng ký sử dụng. Năm 2006, doanh thu của Alibaba.com là 200 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2005. Dự báo, đến năm 2009, doanh thu của công ty sẽ là 1,3 tỷ USD.

Với thành công lớn của Alibaba.com, đến năm 2003, Jack Ma lại thuyết phục được một đối tác Nhật Bản đầu tư 20 triệu USD để mở một trang web bán đấu giá có tên Taobao.com. Hiện trang web này đã trở thành trang web bán đấu giá lớn nhất của Trung Quốc là một trong những trang web toàn cầu phổ biến nhất xét về số lượng người truy cập. Năm 2006, khối lượng giao dịch trên Taobao đạt mức 1 tỷ USD, tăng 8 lần so với năm trước đó.

Mỗi năm, Alibaba lại lớn lên nhờ những sáng kiến để giải quyết những vấn đề cụ thể liên quan đến thị trường Trung Quốc. Những sáng kiến đó của Alibaba thường bị các công ty khác bắt chước, một sự thật mà Ma rất không thích. “Các bạn nên học từ đối thủ cạnh tranh của mình, nhưng đừng bao giờ bắt chước họ. Nếu bắt chước, bạn sẽ không thể tồn tại”, Ma nói.

Năm 2005, Alibaba trở thành tâm điểm thu hút của thế giới công nghệ khi quyết định bán cho Yahoo 35% cổ phần với giá 1,7 tỷ USD. Nhưng tất cả chưa dừng ở đó. Và ngày 6/11 năm ngoái, Alibaba lại một lần nữa khiến cả thế giới phải chú ý khi tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và huy động được lượng vốn lên tới gần 2 tỷ USD, ngang ngửa với số vốn mà “đại gia” tìm kiếm Google huy động được trong đợt IPO năm 2004. Sau đó, các nhà đầu cơ đã đẩy cổ phiếu của Alibaba tăng giá thêm 193% ngay trong ngày giao dịch đầu tiên, khiến giá trị của công ty vọt lên mức 26 tỷ USD.

Khi được hỏi về bí quyết thành công, Ma cho biết: “Tôi không phải là một chuyên gia công nghệ. Nhưng tôi nhìn công nghệ với con mắt của những khách hàng, những con người bình thường.”

Còn nhiều chuyên gia trong giới công nghệ thông tin thì cho rằng, thành công của Alibaba là website này biết cách đáp ứng những nhu cầu cụ thể ở Trung Quốc, trong khi nhiều đối thủ nước ngoài khác như người khổng lồ tìm kiếm trên mạng Google hay website thương mại trực tuyến eBay lại không chịu điều chỉnh để thích nghi với những điều kiện cụ thể ở đây.

Ma cho biết, phần lớn những ý tưởng của ông xuất hiện khi ông đang tắm. Ông thích dành thời gian rảnh rỗi đi dạo với 4 chú chó cưng, chơi cờ và đánh bài, mặc dù ông không phải là một tay chơi bài chuyên nghiệp. Ông nói: “Tôi không giỏi chơi bài nhưng tôi đã học được nhiều triết lý kinh doanh từ trò chơi này.”

Nhìn về phía trước, Ma cho biết, giấc mơ của ông là dùng những nguồn lực của tập đoàn để cải thiện đời sống của mọi người dân Trung Quốc, đặc biệt là 900 triệu nông dân của nước này. Ông nói: “Phải có một cách nào đó để sử dụng kinh nghiệm và bí quyết của chúng tôi để giúp họ sống đỡ khổ hơn.”